Nguyên nhân gạch lát nền bị ộp, bị phồng rộp
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến gạch bị phồng rộp. Gia chủ cần biết chính xác nguyên nhân để ngăn chặn và có cách xử lý gạch lát nền bị ộp phù hợp.
Do sử dụng hồ dầu truyền thống
Trước đây, thi công ốp lát thường sử dụng hồ dầu để tạo sự liên kết giữa gạch và mặt sàn. Tuy nhiên, điều này rất dễ khiến gạch bị bong tróc sau một thời gian ngắn bởi lượng sử dụng quá ít, gạch hút nước nhiều hoặc vữa lát nền quá khô… Đây đều là những yếu tố tác động rất lớn đến độ bám dính của hồ dầu truyền thống, khiến gạch lát nền bị ộp.
Pha trộn nguyên liệu không đúng tỉ lệ
Tỷ lệ pha trộn các phụ gia xây dựng cũng là điều gia chủ nên cân nhắc khi tìm cách xử lý gạch lát nền bị ộp. Trong quá trình thi công ban đầu, nhiều thợ không pha trộn xi măng và cát theo đúng tỷ lệ được yêu cầu. Kết quả là độ bám dính giữa gạch và mặt sàn quá kém dẫn đến tình trạng bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn. Tỉ lệ pha trộn hoàn hảo là 1 nước : 3 keo.
Pha xi măng vào vữa/keo làm ộp gạch
Nhiều công trình hiện nay lựa chọn sử dụng vữa/keo dán gạch để khắc phục các nhược điểm của hồ dầu truyền thống. Tuy nhiên, nhiều thợ tự ý pha thêm xi măng vào vữa/keo trong quá trình thi công để khô nhanh và tiết kiệm chi phí nhưng điều này lại khiến độ bám dính của vữa/keo giảm đáng kể dẫn đến ộp gạch.
Quá trình thi công không đúng kỹ thuật
Độ bám dính và độ đồng đều của bề mặt sàn chịu ảnh hưởng rất lớn từ kỹ thuật thi công của người thợ. Nếu thợ thi công không đúng thời gian, sử dụng lượng vữa/keo hoặc hồ dầu quá ít cũng rất dễ gây ra tình trạng ộp gạch sau khi công trình hoàn thiện.
Sai tiêu chuẩn khoảng cách gạch trong thi công
Mỗi một loại gạch hoặc vữa/keo chà ron đều có độ co ngót hoặc giãn nở nhất định. Do đó, nếu trong quá trình thi công thợ không đảm bảo khoảng cách giữa các viên gạch phù hợp rất dễ dẫn đến tình trạng các viên gạch giãn nở gây nứt vỡ hoặc không bám dính với sàn.